Ảo tưởng Airbnb, Uber và sự ngây thơ lạ lùng của các startup chia sẻ

Posted on Tin tức 127 lượt xem

Lúc này lẽ ra là thời điểm những startup lớn ra mắt và thắng thế trên thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư, tỷ phú công nghệ ở thung lũng Silicon, nhà môi giới chứng khoán, và cả những ông chủ nhà băng đều trông chờ vào số lượng cổ phiếu bán ra đạt kỷ lục trong lần chào bán lần đầu đến công chúng (IPO) của các “kỳ lân” công nghệ như Uber, Lyft (ứng dụng gọi xe), hay Pinterest (nền tảng chia sẻ ảnh).

Nhưng có vẻ như 2019 không phải là một năm thuận lợi cho IPO khi giá cổ phiếu của Uber và Lyft thấp lè tè còn Peloton (ứng dụng sản xuất và bán xe đạp thể dục) gia nhập vào câu lạc bộ những cổ phiếu rớt giá thảm hại ngay sau phiên đầu chào bán.

Chính sự khước từ của thị trường đe dọa thung lũng Silicon. Bản chất các công ty ở thung lũng Silicon tồn tại và phát triển bằng tiền đầu tư của các “thiên thần”, hay chính là các nhà đầu tư mạo hiểm, rót vốn đầu tư mong muốn thu lời sau này. Nếu các quỹ từ chối mua lại thì sẽ chẳng còn nguồn tiền nào rót vào các công ty non trẻ này nữa.

Việc giá giảm ngay khi vừa ra mắt một mặt khiến nhà đầu tư quan ngại và rút vốn, mặt khác lộ ra sự bất ổn của công ty đến từ việc định giá quá cao. Nói cách khác, khả năng sinh lời trong tương lai của các “kỳ lân” này trở thành một dấu hỏi lớn hơn bao giờ hết.

ẢO TƯỞNG AIRBNB, UBER

Sự thất bại của hàng loạt các “kỳ lân” đặt ra câu hỏi tại sao các startup nở rộ và được định giá cao chót vót đến vậy.

Không phải tất cả nhưng phần đông những startup lên sàn đều đi theo nền “kinh tế chia sẻ”. Nhờ sự phát triển của công nghệ cũng như sự bùng nổ thông tin, các công ty hoạt động theo kinh tế chia sẻ mọc lên như nấm sau mưa. Điển hình là nền tảng chia sẻ lưu trú Airbnb, cung cấp dịch vụ vận chuyển như Uber, Grab và Lyft hay nền tảng chia sẻ kỹ năng Udemy.

Tiêu dùng cũng chuyển đổi từ tiêu dùng sở hữu sang tiêu dùng dựa trên việc truy cập, từ tiêu dùng cá nhân sang tiêu dùng hợp tác và từ mô hình kinh tế tập trung vào tập đoàn chuyển sang chủ nghĩa tư bản dựa vào đám đông.

Cơ hội kinh doanh đặc biệt với kỳ vọng cao về khả năng sinh lời của startup chia sẻ dựa vào 2 yếu tố: khả năng mở rộng quy mô và hiệu ứng kết nối. Nhưng những yếu tố đó đều không thể giúp các “kỳ lân” bất bại.

Không thể phủ nhận, những nền tảng này gặt hái không ít thành công.

Chỉ sau 7 năm hoạt động, Airbnb đã vượt qua chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới về số lượng giường và lượt đặt phòng. Uber thậm chí đã trở thành công ty tư nhân có giá trị lên đến 82,4 tỷ USD khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, Udemy đã thu hút một cộng đồng hơn 40 triệu người dùng và nhận được khoản tiền lên đến cả trăm triệu USD từ các nhà đầu tư.

Các công ty thuộc nền kinh tế chia sẻ thường gắn liền với những cơ hội kinh doanh đặc biệt, cộng với kỳ vọng cao về khả năng sinh lời dựa vào 2 yếu tố: khả năng mở rộng quy mô và hiệu ứng kết nối.

Khả năng mở rộng quy mô đề cập đến khả năng cung cấp dịch vụ của mình cho một số lượng lớn người dùng một cách linh hoạt mà không phát sinh chi phí. Nhiều công ty trong nền kinh tế chia sẻ cung cấp dịch vụ môi giới thông qua nền tảng công nghệ nên người dùng mới có thể được phục vụ với chi phí cận biên bằng không.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư thường nhấn mạnh và kỳ vọng về sự tăng trưởng vượt bậc của những công ty này trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Trong khi đó, hiệu ứng kết nối mô tả cách thức cung cấp dịch vụ của các công ty công nghệ trở nên hấp dẫn hơn đối với người dùng khi mạng lưới này phát triển.

Điển hình, Airbnb hấp dẫn du khách khi có nhiều căn hộ đăng ký trên nền tảng này. Đổi lại, dịch vụ cũng hấp dẫn các chủ nhà khi có nhiều người tìm kiếm và đặt phòng trên nền tảng. Sự năng động này đã hấp dẫn cả 2 thị trường mà ở đó, các bên đều được hưởng lợi khi nền tảng được mở rộng.

Tuy nhiên, phân tích kỹ, hai yếu tố này không thể giúp “kỳ lân” trở nên bất bại trong nền kinh tế chia sẻ.

ĐIỀU KỲ DIỆU KHÔNG DÀNH CHO SỐ ĐÔNG

Trước sự tăng trưởng nhanh chóng và định giá cao của các công ty như Airbnb, Uber, Lyft và Udemy, những năm qua, hàng trăm liên doanh công nghệ đã ra đời và phát triển các mô hình kinh doanh tương tự.

Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó phát triển đến quy mô lớn hoặc nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ phía nhà đầu tư.

Theo cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới của các công ty tư nhân Crunchbase, hiện có khoảng 1.100 công ty thành lập trong suốt thập kỷ qua được xếp loại là các công ty hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Hầu hết công ty theo mô hình này thường ít thành công hơn, với tốc độ tăng trưởng chậm chạp và thậm chí có khả năng phá sản cao hơn.

Thế nhưng, tính đến giữa năm 2017, Airbnb và Lyft đã nhận được nguồn tài trợ lớn hơn tất cả công ty này cộng lại. Như vậy, rõ ràng có thể thấy Airbnb, Uber hay những “kỳ lân” khác nêu trên không thật sự đại diện cho mọi thành viên của nền kinh tế chia sẻ. Và cũng không chắc chắn mô hình kinh doanh y hệt ở thị trường khác sẽ đạt được thành công tương tự.

Thật vậy, nghiên cứu của chúng tôi trên các nhà đầu tư và 72 công ty đang theo mô hình kinh tế chia sẻ chỉ ra: Hầu hết công ty theo mô hình này thường ít thành công hơn, với tốc độ tăng trưởng chậm chạp và thậm chí có khả năng phá sản cao hơn.

Năm 2005, Carpooling.com – công ty của Đức – ngậm ngùi bị mua lại bởi đối thủ cạnh tranh đến từ Pháp là BlaBlaCar sau 10 năm hoạt động vì gặp khó trong quá trình giữ chân khách hàng dù được đón nhận vô cùng nồng nhiệt.

Một trở ngại khác khiến các startup chia sẻ sớm nở tối tàn là không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ. Họ cũng không có quyền kiểm soát chính thức đối với bên cung cấp dịch vụ khiến việc phục vụ khách hàng trở nên thiếu nhất quán.

Homejoy, nền tảng tiên phong trong lĩnh vực chia sẻ dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, là một ví dụ điển hình. Dù mở rộng ra 30 thành phố ở Bắc Mỹ và châu Âu nhưng do không thể đảm bảo được các vấn đề liên quan đến trình độ chuyên môn của người dọn dẹp cũng như đặc thù riêng của thị trường lao động trong ngành này, Homejoy đã phải ngừng kinh doanh vào năm 2015.

Đúng như tên gọi “kinh tế chia sẻ”, các công ty sử dụng nguồn lực mà không thật sự sở hữu. Đó là một thế mạnh nhưng đồng thời cũng là điểm yếu khi có nhiều công ty tham gia vào một thị trường khiến nguồn lực “nhàn rỗi” này sẽ trở nên khó tiếp cận hơn.

Và ngay cả khi mua lại sản phẩm từ nhà cung cấp với chi phí thấp, việc phát triển những mô hình kinh doanh có lợi nhuận cũng có thể gặp khó khăn nếu giao dịch diễn ra không thường xuyên.

Lấy ví dụ về Beepi, một nền tảng bán xe đã qua sử dụng với một thuật toán phù hợp. Công ty này cung cấp một dịch vụ chất lượng nhưng khách hàng không có nhu cầu sử dụng thường xuyên và đã không thể tồn tại dù được tài trợ 149 triệu USD. Đây là một minh họa rất rõ cho rủi ro của việc hoạt động tại các thị trường có tần suất giao dịch thấp.

Các cuộc chiến về pháp lý của những công ty cung cấp dịch vụ di chuyển và lưu trú trên thế giới đã cho thấy sự phụ thuộc của các mô hình kinh doanh chia sẻ vào môi trường pháp lý tương đối lớn.

Để vận hành thành công mô hình công ty đa chiều, các công ty trong nền kinh tế chia sẻ cần thu hút một lượng lớn người dùng quan trọng từ cả phía cung và phía cầu. Và phát triển đồng thời cả hai thị trường này là một nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt là với các thị trường chưa quen với các nguyên tắc của nền kinh tế chia sẻ.

Công ty Stayzilla tương tự Airbnb ở thị trường Ấn Độ với hơn 50.000 địa điểm lưu trú đã phải đóng cửa. Khi nói về nguyên nhân thất bại, nhà sáng lập Yogendra Vasupal cho biết mấu chốt nằm ở chi phí để phát triển thị trường khi thiếu nguồn cung homestay cho khách hàng.

Ngoài ra, các công ty thuộc nền kinh tế chia sẻ thường phát triển lợi thế cạnh tranh khi hoạt động ngoài hệ thống quy định và thuế chính thức của ngành đó. Tuy nhiên, với sự chuyên nghiệp hóa ngày càng cao của những người tham gia nền kinh tế chia sẻ, nhận thức của cộng đồng và đối xử pháp lý về các công ty này đã có sự thay đổi, đe dọa tính hợp lệ của các mô hình này.

Các cuộc chiến về pháp lý của những công ty cung cấp dịch vụ di chuyển và lưu trú trên thế giới đã cho thấy sự phụ thuộc của các mô hình kinh doanh này vào môi trường pháp lý tương đối lớn.

HỌC TỪ NHỮNG THẤT BẠI

Trong lý thuyết đầu tư, mục tiêu giảm thiểu rủi ro trong dài hạn thay vì tối đa hóa tăng trưởng trong ngắn hạn đã trở thành một thông lệ chung để xây dựng danh mục đầu tư. Điều này nhằm đa dạng hóa rủi ro và giảm thiểu rủi ro.

Một mô hình kinh doanh kết hợp có thể giúp giảm rủi ro vốn có của nền kinh tế chia sẻ bằng cách kết hợp giữa mô hình kinh doanh chia sẻ với mô hình phân cấp.

Để phát triển thành công các mô hình kết hợp này, người quản lý có thể bắt đầu bằng cách tận dụng tài sản sẵn có của các công ty trên thị trường khác nhau và tạo ra doanh thu ổn định từ các dịch vụ bổ sung.

Chỉ có một mô hình kinh doanh bền vững mới cho phép các công ty trong nền kinh tế chia sẻ đóng góp đáng kể cho mục tiêu xã hội và mục tiêu sinh thái.

Khi hình thành nên được những ý tưởng mới, người quản lý nên đánh giá nghiêm túc xem mô hình kinh doanh mới có thật sự bổ sung thêm cho mô hình chia sẻ hiện có hay không.

Cuối cùng, chỉ có một mô hình kinh doanh bền vững mới cho phép các công ty trong nền kinh tế chia sẻ đóng góp đáng kể cho mục tiêu xã hội và mục tiêu sinh thái.

Trong những năm tới, chúng tôi hy vọng rằng một số mô hình kết hợp mới sẽ ra đời và làm mờ ranh giới giữa nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế truyền thống.

Trong một môi trường biến đổi như vậy, các nhà quản lý sẽ tìm thấy vô số cơ hội để thành công trong nền kinh tế chia sẻ nếu họ có thể học hỏi từ những thất bại của các công ty đi trước, giảm thiểu rủi ro phổ biến và xây dựng được những mô hình kinh doanh không chỉ có thể mở rộng về quy mô mà còn bền vững về tài chính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: checked